Căn cứ Điều 372 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về thời hạn kháng cáo, kháng nghị được quy định như sau:
“Điều 372. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị
-
Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trường hợp họ không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì thời hạn đó được tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết.
-
Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.”
Quy định về thời hạn kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự.
Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Điều 371 BLTTDS 2015 quy định về quyền kháng cáo, kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án. Quy định này nhằm bảo đảm quyền của con người cũng như các bên có liên quan tới quyết định tới quyết định giải quyết việc dân sự được kháng cáo quyết định của Tòa án nếu sau khi Tòa án ra quyết định mà họ thấy còn có điều chưa nhất trí với quyết định đó. Cụ thể:
– Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo.
+ Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Điều luật cũng quy định quyền kháng nghị của Viện kiểm sát, theo đó Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị đối với quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án nếu xét thấy quyết định của Tòa án có phần chưa thỏa đáng hoặc vi phạm pháp luật TTDS căn cứ theo quy định của pháp luật.
Và kháng cáo và kháng nghị được gửi tới Tòa án cấp trên trực tiếp để yêu cầu giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên để tránh sự lạm dụng quyền kháng cáo, kháng nghị pháp luật quy định cho phép các chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị chỉ được kháng cáo, kháng nghị trong khoảng thời gian mà pháp luật đã quy định nếu sau thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì quyết định giải quyết việc dân sự sẽ có hiệu lực pháp luật.
Vậy thời hạn được hiểu là gì? Thời hạn là một khoảng thời gian, có điểm bắt đầu và điểm kết thúc.Ngày đầu tiên của thời hạn được gọi là ngày “được xác định” hay gọi theo cách khác là điểm “mốc” thời gian để xác định thời hạn. Thời điểm kết thúc thời hạn là thời điểm kết thúc của ngày cuối cùng của thời hạn (24 giờ).
Như vậy, Điều 372 BLTTDS 2015 quy định cụ thể như sau: Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định giải quyết việc dân sự. Trường hợp họ không có mặt tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì thời hạn đó được tính từ ngày họ nhận được quyết định giải quyết việc dân sự hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết.
Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự trong thời hạn 10 ngày, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Và kể từ ngày Tòa án nhận kháng cáo, kháng nghị thì thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị là 15 ngày. Trong thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị, Tòa án tiến hành các công việc sau đây:
+ Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa đủ căn cứ để Tòa án giải quyết thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án;
+ Trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá. Nếu hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa có kết quả giám định, định giá thì thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị được kéo dài nhưng không quá 15 ngày;
+ Trong thời hạn chuẩn bị xét kháng cáo, kháng nghị, nếu tất cả người kháng cáo rút đơn kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết việc dân sự theo thủ tục sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ;
+ Quyết định mở phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự.
Luật Hoàng Anh