Phạm vi áp dụng thủ tục giải quyết việc dân sự?

Căn cứ Điều 361 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về phạm vi áp dụng thủ tục giải quyết việc dân sự được quy định như sau:

Advertisements

“Điều 361. Phạm vi áp dụng

Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự.”

Quy định về phạm vi áp dụng thủ tục giải quyết việc dân sự.

Theo quy định của BLTTDS 2015: “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.”

Như vậy, bản chất của việc dân sự là không có tranh chấp về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các đương sự do các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp và yêu cầu Tòa án công nhận giá trị pháp lý của sự thỏa thuận đó hoặc chỉ có một bên đương sự yêu cầu Tòa án xác định một sự kiện pháp lý, công nhận hoặc không công nhận quyền về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. “Sự kiện pháp lý” được hiểu là sự kiện xảy ra trong thực tế mà việc xuất hiện hay mất đi của nó được pháp luật gắn với việc hình thành, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật. Đây cũng là đặc điểm cơ bản để phân biệt giữa việc dân sự và vụ án dân sự. Vụ án dân sự khác với việc dân sự ở chỗ, vụ án dân sự có sự tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự, hôn nhân, gia đình kinh doanh thương mại và lao động được quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự, do các cá nhân cơ quan tổ chức hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, lợi ích cộng đồng, lợi ích của Nhà nước. Còn việc dân sự thì không có sự tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự. Chính vì sự khác nhau về bản chất giữa việc dân sự và vụ án dân sự mà đã hình thành nên hai loại thủ tục khác nhau. Theo đó, thủ tục giải quyết việc dân sự đơn giản, nhanh gọn hơn thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

BLTTDS 2015 đã xác định phạm vi các loại việc dân sự và quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật giải quyết việc dân sự, theo đó: “Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự.” Cụ thể:

Các điều (từ Điều 361 đến 375) được quy định tại Chương XXIII về thủ tục giải quyết việc dân sự và các quy định tại các chương khác không trái với các quy định tại Chương XXIII sẽ được áp dụng để giải quyết các việc dân sự được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 BLTTDS 2015 bao gồm các việc:

+ Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

+ Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.

+ Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.

+ Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.

+ Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

+ Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

+ Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 470 của BLTTDS 2015.

+ Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

+ Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

– Các việc dân sự được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 BLTTDS 2015, cụ thể:

+ Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

+ Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

+ Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

+ Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

+ Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

+ Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

+ Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.

+ Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

+ Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

+ Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

– Các việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31 BLTTDS 2015, bao gồm:

+ Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

+ Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.

+ Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.

+ Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Các việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của BLTTDS 2015:

+ Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

+ Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

+ Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp tại Chương XXIII về thủ tục giải quyết việc dân sự không quy định về việc giải quyết thì cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng sẽ áp dụng những quy định khác của BLTTDS 2015 để giải quyết việc dân sự.

Xem thêm: https://luathoanganh.vn/to-tung/pham-vi-ap-dung-thu-tuc-giai-quyet-viec-dan-su-lha10432.html

Luật Hoàng Anh