Những ai tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự?

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 374 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về những người tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự được quy định như sau:

Advertisements
New customers get 15% off with SAVE15 promo code

“Điều 374. Những người tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự

  1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.
  2. Người có đơn kháng cáo, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.

Người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án hoãn phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự, trừ trường hợp người kháng cáo yêu cầu giải quyết vắng mặt họ. Nếu người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ kháng cáo và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết phúc thẩm việc dân sự đối với yêu cầu kháng cáo của họ, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

  1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.”

Quy định về những người tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự.

Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Theo đó, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Thẩm phán phải mở phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự. BLTTDS 2015 quy định những người sau đây sẽ tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự, bao gồm:

Thứ nhất, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự. Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, và trong trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm thì phải có mặt tại phiên họp.

Thứ hai, người có đơn kháng cáo, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.

– Người có đơn kháng cáo bao gồm:

+ Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

– Người đại diện hợp pháp. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).

+ Đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm:  Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện; Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

+ Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

+ Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;

+ Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;

+ Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;

+ Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.

Trong trường hợp, người kháng cáo vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án hoãn phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự, trừ trường hợp người kháng cáo yêu cầu giải quyết vắng mặt họ. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh. Nếu người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ kháng cáo và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết phúc thẩm việc dân sự đối với yêu cầu kháng cáo của họ, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan do bão lũ, thiên tai, hỏa hoạn,…

Thứ ba, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng; người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của BLTTDS 2015;  người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp.

Luật Hoàng Anh