Cơ sở pháp lý
Căn cứ Điều 398 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu được quy định như sau:
“Điều 398. Đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
- Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về công chứng.
- Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này.
- Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là có căn cứ và hợp pháp.”
Quy định về đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. ( khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014)
– Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật công chứng 2014.(khoản 4 Điều 2 Luật công chứng 2014)
Theo quy định tại Điều 398 BLTTDS 2015 quy định chi tiết cụ thể những chủ thể sau đây có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu bao gồm:
– Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng: là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng. (khoản 2 Điều 2 Luật công chứng 2014)
– Người yêu cầu công chứng: là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này (khoản 3 Điều 2 Luật công chứng 2014)
– Người làm chứng: là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Và những người yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu phải bảo đảm các điều kiện cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về công chứng. Theo quy định của Luật công chứng 2014 thì việc công chứng có vi phạm pháp luật như: người yêu cầu công chứng không tự nguyện yêu cầu công chứng hoặc không có năng lực hành vi dân sự hoặc người yêu cầu có hành vi giả mạo giấy tờ, hợp đồng để công chứng; cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện để hành nghề công chứng nhưng đã công chứng tại văn bản công chứng; công chứng hợp đồng, giao dịch vi phạm vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội; công chứng những giao dịch, hợp đồng không có người làm chứng; người làm chứng, vi phạm về thủ tục công chứng; người phiên dịch không đáp ứng đúng và đầy đủ các điều kiện tại Điều 47 Luật công chứng 2014 cụ thể:
“Điều 47. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch
- Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó.
Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.
- Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.
Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.
Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.
- Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch.
Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng.
Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.”
Xác định việc yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một sự kiện pháp lý, chính vì vậy đây là việc dân sự. Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Vì vây, đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của BLTTDS 2015 quy định về đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự, cụ thể như sau:
Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn;
+ Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
+ Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
+ Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Và người yêu cầu cần gửi kèm theo đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là có căn cứ và hợp pháp. Đó là những chứng cứ chứng minh văn bản công chứng vi phạm pháp luật về công chứng, chứng cứ chứng minh việc yêu cầu của họ là có căn cứ cho việc chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu.
Luật Hoàng Anh