Biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng?

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 116 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) tuân thủ pháp luật về buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định như sau:

Advertisements

“Điều 116. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng

Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng.”

Những trường hợp áp dụng biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

Theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về khái niệm “Cấp dưỡng” như sau: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”

Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác (quy định tại Điều 107 Luật Hôn nhân gia đình 2014).

Như vậy, biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng là việc buộc người bị yêu cầu cấp dưỡng phải ứng ngay một số tiền nhất định để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, đảm bảo ổn định cuộc sống của người được cấp dưỡng. Biện pháp này được áp dụng đối với việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng:

– Tính có căn cứ ở đây có thể được hiểu như sau, ví dụ trong một vụ án ly hôn giữa A và B được diễn ra tại phiên tòa xét xử. Trong thời gian chung sống A và B có con chung là C (10 tuổi). Theo quy định tại Điều 21 BLDS 2015: “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Chính vì vậy trong trường hợp này nếu A, B ly hôn mà C vẫn chưa đủ 18 tuổi thì mặc nhiên người không trực tiếp nuôi C sẽ phải có nghĩa vụ chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền và lợi ích cho C đến khi trưởng thành để đảm bảo được sức khoẻ, đời sống cho C.

– Bên cạnh tính có căn cứ, nếu không thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng cụ thể được hiểu như sau: Ví dụ: C và D ly hôn có con chung là E (5 tuổi) nếu trong trường hợp C là người trực tiếp nuôi E nhưng C không đủ tài chính cũng như kinh tế để đảm bảo đầy đủ cuộc sống tốt nhất cho E thì trong trường hợp này D sẽ phải thực hiện một phần nghĩa vụ cấp dưỡng cho E . Bởi E là người chưa thành niên, chưa có khả năng lao động để tìm kiếm thu nhập tài chính, chưa tự lo được cho bản thân, chính vì vậy D trong trường hợp trên sẽ phải cấp dưỡng cho E.

Ngoài ra, về mức cấp dưỡng thì được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định cụ thể như sau: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, việc xác định mức cấp dưỡng giữa cha mẹ với con dựa trên hai yếu tố chính: các nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng của người con và khả năng tài chính trên thực tế của cha, mẹ.

Thứ nhất, mức cấp dưỡng được xác định dựa trên nhu cầu thiết yếu của người con được cấp dưỡng. Ngoại trừ những nhu cầu chung mà bất cứ một cá nhân nào cũng cần được đáp ứng để duy trì sự sống (như ăn, mặc, ở), nhu cầu thiết yếu của mỗi người thường được xác định dựa trên độ tuổi. Càng ở độ tuổi phát triển, nhóm nhu cầu thiết yếu càng có xu hướng mở rộng hơn. Chẳng hạn, bên cạnh những nhu cầu cơ bản để duy trì sự sống, người ta bắt đầu hình thành nhu cầu học tập, đi lại, thông tin liên lạc. Cùng với đó, nhu cầu thiết yếu còn được xác định trên hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Có những nhu cầu là cần thiết với người này nhưng với người khác lại không được đặt ra. Ví dụ như với một số người, việc khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết, nhưng cũng có những người gần như không có nhu cầu này trên thực tế. Vì vậy, mặc dù nhu cầu thiết yếu là những yêu cầu cơ bản đối với tất cả mọi người, nhưng việc xác định nhu cầu cụ thể của một người trên thực tế lại cần có sự xem xét cẩn trọng từ nhiều yếu tố và cơ sở khác nhau.

Thứ hai, mức cấp dưỡng được xác định trên khả năng tài chính của cha mẹ. Khả năng tài chính của cha mẹ có thể được đánh giá thông qua giá trị tài sản mà cha, mẹ sở hữu, nguồn thu nhập cũng như những nghĩa vụ tài sản mà cha, mẹ phải thực hiện. Trong đó, việc xác định nguồn thu nhập của cha mẹ không phải là điều đơn giản. Khái niệm “thu nhập” được hiểu rất khác biệt đối với từng ngành luật khác nhau. Thu nhập được xác định để tính mức cấp dưỡng nên là những nguồn thu có tính ổn định. Điều này xuất phát từ tính chất quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con. Thông thường, mức cấp dưỡng được định sẵn trong một khoảng thời gian dài, những khoản thu nhập tăng hoặc giảm có tính “đột biến” chỉ nên được xác định để yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng. Việc thực hiện nghĩa vụ này cần được diễn ra một cách ổn định để không tạo nên biến động lớn trong đời sống của con được cấp dưỡng.

Thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc buộc thực hiện trước một phần để cấp dưỡng được Tòa án quyết định áp dụng trong việc giải quyết các vụ án về hôn nhân, gia đình có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng. Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp này khi thấy yêu cầu của cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu là có căn cứ (ví dụ, người bị yêu cầu là cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng) và cần thiết (nếu không thực hiện ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống của người được cấp dưỡng).

Luật Hoàng Anh